Chi tiêu cho các sản phẩm và dịch vụ quản lý rủi ro, an toàn thông tin được dự báo sẽ tăng 11,3%, đạt hơn 188,3 tỷ USD vào năm 2023. Trong đó, bảo mật đám mây là lĩnh vực được dự báo sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất trong hai năm tới, khi các tổ chức tăng cường tập trung vào rủi ro bên thứ ba, an ninh mạng, quyền riêng tư và các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị – ESG (bộ tiêu chuẩn đánh giá hoạt động bền vững của các tổ chức). Khi đó, Gartner dự báo rằng thị trường quản lý rủi ro tích hợp (IRM) sẽ tăng trưởng hai con số cho đến năm 2024.Các dịch vụ bảo mật bao gồm: tư vấn, hỗ trợ phần cứng, triển khai và dịch vụ thuê ngoài là hạng mục chi tiêu lớn nhất, ở mức gần 72 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 76,5 tỷ USD vào năm 2023. Ba yếu tố gây ảnh hưởng tới chi tiêu an ninh mạng là:
Làm việc từ xa
Nhu cầu về các công nghệ cho phép môi trường làm việc từ xa và công tác đảm bảo an toàn sẽ tăng lên sau năm 2022. Khi các tổ chức tìm cách tạo ra môi trường làm việc tại nhà an toàn, họ đang khám phá các giải pháp mang lại lợi tức đầu tư nhanh chóng. Do đó, các công nghệ như tường lửa ứng dụng web (WAF), quản lý truy cập (AM), nền tảng bảo vệ điểm cuối (EPP) và cổng truy cập web an toàn (SWG) tiếp tục có thể được các tổ chức hướng tới trong việc xây dựng và triển khai trong những năm tiếp theo.
Sự gia tăng của mô hình truy cập mạng Zero Trust
Mô hình truy cập mạng Zero Trust (ZTNA) là mô hình bảo mật phát triển nhanh trong thời gian gần đây, Gartner dự báo ZTNA sẽ tăng 36% vào năm 2022 và 31% vào năm 2023, do nhu cầu gia tăng về bảo vệ Zero Trust cho nhân viên từ xa và các tổ chức giảm sự phụ thuộc vào VPN để truy cập an toàn. Khi các tổ chức trở nên quen thuộc với ZTNA, ngày càng có nhiều xu hướng sử dụng nó không chỉ cho các trường hợp làm việc từ xa mà còn cho các nhân viên trong văn phòng. Gartner dự đoán rằng đến năm 2025, ít nhất 70% các triển khai truy cập từ xa mới sẽ được phục vụ chủ yếu bởi ZTNA thay vì các dịch vụ VPN (có tỷ lệ tăng ít hơn 10% vào cuối năm 2021).
Chuyển dịch sang mô hình phân phối dựa trên đám mây
Theo báo cáo của Gartner, do môi trường đa đám mây (Multi Cloud), các tổ chức phải đối mặt với rủi ro bảo mật gia tăng cũng như sự phức tạp của việc vận hành và quản lý nhiều công nghệ. Điều này sẽ dẫn đến việc thúc đẩy bảo mật đám mây và thị phần của các giải pháp đám mây sẽ tăng lên.
Thị trường kết hợp trình cung cấp bảo mật truy nhập đám mây (CASB) và nền tảng bảo vệ dữ liệu công việc trên đám mây (CWPP) sẽ tăng trưởng 26,8% để đạt 6,7 tỷ USD vào năm 2023. Nhu cầu về các giải pháp phát hiện và phản hồi dựa trên đám mây, chẳng hạn như hệ thống phát hiện và phản hồi các mối nguy hại tại điểm cuối (EDR) hay phát hiện và phản hồi được quản lý (MDR) dự báo cũng sẽ tăng lên trong những năm tới.
Theo Tạp chí an toàn thông tin