
Trong nhiều thập kỷ, trung tâm điều hành an ninh mang (SOC) luôn là tuyến đầu phòng thủ của các tổ chức để chống lại những mối đe doạ trên không gian mạng. Cùng với việc các mối đe doạ này ngày càng trở nên phức tạp và đáng lo ngại, trung tâm giám sát SOC cũng cần được cải tiến liên tục. Có thể tạm chia giai đoạn phát triển của SOC bằng 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: SOC 1.0 – SOC truyền thống, vận hành thủ công
- Giai đoạn 2: SOC 2.0 – SOC bán tự động, ứng dụng SOAR và XDR
- Giai đoạn 3: SOC 3.0 – SOC hiện đại, sử dụng AI để tự động hóa hầu hết các quy trình
SOC thế hệ 1.0: vận hành thủ công
Đầu tiên, hãy cùng tìm hiểu cách SOC thế hệ 1.0 xử lý những nhiệm vụ quan trọng như: phân loại và xử lý cảnh báo (Alert triage & remediation), phát hiện và liên kết dữ liệu (Detection & correlation), điều tra mối đe dọa (Threat investigation), xử lý dữ liệu (Data processing).
Xử lý cảnh báo nhiễu bằng cách phân loại và khắc phục thủ công
Trong giai đoạn đầu, SOC phải xử lý một lượng lớn cảnh báo an ninh, bao gồm rất nhiều cảnh báo gây nhiễu. Các kỹ sư bảo mật thiết lập hoặc điều chỉnh hệ thống cảnh báo, nhưng do số lượng cảnh báo quá nhiều, đội SOC liên tục bị quá tải. Đặc biệt, trong đó có rất nhiều cảnh báo dương tính giả (false positives) – tức là những cảnh báo không thực sự nguy hiểm.
Ví dụ, nếu hệ thống cảnh báo mỗi khi một máy chủ thử nghiệm (test server) kết nối đến một tên miền phi sản xuất (non-production domain), SOC sẽ nhận định đây là tín hiệu không đáng lo ngại. Khi đó, đội SOC sẽ phải điều chỉnh hệ thống để loại bỏ những cảnh báo ít nghiêm trọng hoặc có nguồn gốc từ các hệ thống thử nghiệm. Việc chỉnh sửa lại cảnh báo và loại trừ máy chủ khỏi danh sách theo dõi từ đó trở thành một quy trình lặp đi lặp lại.
Thay vì tập trung xử lý các mối đe dọa thực sự, SOC phải dành rất nhiều thời gian để quản lý cảnh báo không chính xác.
Việc khắc phục sự cố (remediation) của SOC thế hệ đầu tiên cũng được thực hiện một cách hoàn toàn thủ công. Hầu hết các tổ chức lưu các quy trình tiêu chuẩn (Standard Operating Procedure – SOP) trên một kho lưu trữ tài liệu chung. Khi một cảnh báo được xác nhận dương tính, chuyên gia SOC sẽ tuân thủ theo các bước trong SOP, như:
- Xác định hệ thống bị ảnh hưởng
- Cách ly máy chủ
- Đặt lại mật khẩu
- Thu thập nhật ký để điều tra
Các SOP này tồn tại dưới dạng tài liệu tĩnh, đòi hỏi sự can thiệp thủ công ở mọi bước. Các công cụ chính trong quá trình này bao gồm: SIEM (hệ thống quản lý thông tin và sự kiện bảo mật) để thu thập, phân tích nhật ký và tài liệu hướng dẫn xử lý.
SIEM thời kỳ đầu và bài toán kết nối dữ liệu bảo mật
Trong giai đoạn SOC 1.0, việc phát hiện mối đe doạ hoàn toàn phụ thuộc vào các quy tắc và truy vấn thủ công. Hệ thống SIEM yêu cầu trình độ chuyên môn cao để xây dựng các truy vấn liên kết dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Chỉ cần sai một lệnh hoặc dùng nhầm toán tử OR, hoặc một phép kết hợp (join) không chính xác, hệ thống có thể bỏ sót mối đe dọa thực sự (false negative) hoặc tạo ra quá nhiều cảnh báo không cần thiết (false positive). Vì quá phức tạp, chỉ một số ít chuyên gia trong tổ chức có thể quản lý các quy tắc này, dẫn đến tắc nghẽn và chậm trễ trong xử lý sự cố.
Phụ thuộc vào chuyên gia có trình độ chuyên môn cao
Việc điều tra sự cố bảo mật đòi hỏi các chuyên gia SOC cấp cao (L2, L3) với kỹ năng chuyên sâu, trong khi công nghệ chưa đủ hỗ trợ để tự động hóa quy trình. Mỗi sự kiện đáng ngờ đều cần chuyên gia trực tiếp phân tích nhật ký, chạy truy vấn, và kết nối dữ liệu từ nhiều nguồn để tìm ra nguyên nhân. Vì mọi thứ đều thủ công, SOC khó có thể mở rộng quy mô, và các chuyên gia luôn trong tình trạng quá tải. Các nhân viên cấp thấp (L1) chỉ làm nhiệm vụ lọc cảnh báo cơ bản, sau đó phải chuyển hầu hết sự cố lên cấp trên do thiếu công cụ hỗ trợ hiệu quả.
Xử lý dữ liệu theo cách thủ công
Khi dữ liệu lớn (big data) trở thành tiêu chuẩn, các vấn đề liên quan đến việc thu thập và xử lý dữ liệu cũng trở nên nghiêm trọng hơn. Mỗi nguồn nhật ký (log source) yêu cầu tích hợp riêng, với các quy tắc phân tích cú pháp (parsing rules) và cấu hình lập chỉ mục (indexing) đặc thù. Nếu thay đổi nhà cung cấp hoặc thêm giải pháp mới, đội SOC có thể mất hàng tháng, thậm chí hàng quý để triển khai tích hợp.
Ví dụ, với SIEM như QRadar, quản trị viên phải cấu hình các bảng dữ liệu, trường dữ liệu và quy tắc lập chỉ mục mới cho từng loại nhật ký. Quy trình này chậm chạp, dễ hỏng và phụ thuộc nhiều vào con người.
Nhiều tổ chức cũng sử dụng các đường ống dữ liệu riêng biệt (separate pipelines) để chuyển nhật ký đến các đích khác nhau. Các pipeline này được cấu hình thủ công và dễ bị gián đoạn khi nguồn dữ liệu thay đổi.
Tóm lại, trong giai đoạn này, SOC chủ yếu phụ thuộc vào sức người, vừa tốn thời gian vừa kém hiệu quả, tập trung vào việc “giữ cho hệ thống chạy” hơn là đổi mới an ninh thực sự. Đây chính là lý do ngành an ninh mạng phải tiến hóa sang các mô hình SOC tiên tiến hơn, với mức độ tự động hóa cao và khả năng mở rộng vượt trội.
>>> Xem thêm: Mô hình SOC in-house là gì? Top 5 khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt khi tự xây dựng trung tâm điều hành an ninh mạng nội bộ
SOC thế hệ 2.0: tự động hóa một phần
Những thách thức của SOC 1.0 đã thúc đẩy đổi mới. Ngành công nghiệp an ninh mạng phản ứng bằng cách phát triển các nền tảng và phương pháp giúp tự động hóa (một phần) các quy trình quan trọng.
Cảnh báo được bổ sung ngữ cảnh & Playbook tự động
Với sự ra đời của SOAR (Security Orchestration, Automation, and Response), cảnh báo trong SIEM có thể được nâng cao, làm giàu một cách tự động. Ví dụ, một địa chỉ IP xuất hiện trong cảnh báo có thể được kiểm tra đối chiếu với các nguồn tình báo mối đe dọa (threat intelligence feeds) và dịch vụ định vị địa lý. Một tên máy chủ có thể được liên kết với cơ sở dữ liệu tài sản hoặc quản lý lỗ hổng bảo mật. Lớp ngữ cảnh bổ sung này giúp các nhà phân tích đưa ra quyết định nhanh hơn về tính hợp lệ của cảnh báo.
Một cải tiến lớn khác là SOP tự động. Các công cụ SOAR cho phép SOC mã hóa một số nhiệm vụ lặp đi lặp lại và chạy playbook tự động. Thay vì tham chiếu các tài liệu SOP trên wiki từng bước, SOC có thể sử dụng các kịch bản để thực hiện một phần quy trình khắc phục, chẳng hạn như cô lập một máy chủ hoặc chặn một địa chỉ IP.
Tuy nhiên, giai đoạn ra quyết định giữa việc bổ sung ngữ cảnh và hành động tự động vẫn chủ yếu là thủ công. Các nhà phân tích có nhiều dữ liệu hơn nhưng v|ẫn phải tự đánh giá bước tiếp theo. Thêm vào đó, bản thân các công cụ SOAR (Torq, Tines, BlinkOps, Cortex XSOAR, Swimlane) yêu cầu cấu hình và bảo trì phức tạp. Các kỹ sư bảo mật phải liên tục cập nhật playbook. Nếu một API bên ngoài thay đổi, toàn bộ quy trình có thể bị gián đoạn. Chỉ cần thay thế một nhà cung cấp giải pháp endpoint cũng có thể khiến SOC mất hàng tuần để điều chỉnh lại hệ thống SOAR. Chi phí duy trì các quy trình tự động hóa này không hề nhỏ.
SIEM nâng cấp: Phát hiện có sẵn & XDR
Trong SOC 2.0, năng lực phát hiện và tương quan dữ liệu đã có những bước tiến quan trọng nhờ các nội dung phát hiện có sẵn (out-of-the-box detection). Các nền tảng SIEM hiện đại và XDR (Extended Detection and Response) cung cấp thư viện quy tắc phát hiện được xây dựng sẵn, giúp tiết kiệm thời gian cho các nhà phân tích SOC, những người trước đây phải viết quy tắc từ đầu.
Các công cụ như Exabeam, Securonix, Gurucul, Hunters giúp tương quan dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau (endpoint, workload trên cloud, lưu lượng mạng, nhà cung cấp danh tính) một cách liền mạch hơn. Một số vendor như Anvilogic hay Panther Labs còn cung cấp thư viện quy tắc toàn diện cho nhiều nguồn dữ liệu, giảm đáng kể độ phức tạp trong việc viết truy vấn.
Cải tiến dần trong điều tra mối đe dọa
Dù XDR đã có những bước tiến đáng kể, nhưng quy trình điều tra mối đe dọa thực tế vẫn tương tự như SOC 1.0. Công cụ được tích hợp tốt hơn, dữ liệu có sẵn nhiều hơn, nhưng quá trình phân tích vẫn phụ thuộc vào kỹ năng của các nhà phân tích dày dạn kinh nghiệm.
XDR giúp phát hiện hoạt động đáng ngờ nhanh hơn, nhưng nó không tự động hóa các nhiệm vụ forensic hoặc truy tìm mối đe dọa (threat hunting) chuyên sâu. Các nhà phân tích cấp cao vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc giải thích các tín hiệu phức tạp và kết nối nhiều bằng chứng tấn công lại với nhau.
Tích hợp mượt mà hơn & kiểm soát chi phí dữ liệu
Xử lý dữ liệu trong SOC 2.0 cũng đã được cải thiện với nhiều tích hợp hơn và khả năng kiểm soát tốt hơn đối với các pipeline dữ liệu. Ví dụ, Microsoft Sentinel cung cấp khả năng phân tích dữ liệu tự động và hỗ trợ các schema dựng sẵn cho nhiều nguồn dữ liệu phổ biến, giúp triển khai nhanh hơn và rút ngắn thời gian tạo giá trị.
Các giải pháp như CRIBL cho phép tổ chức thiết lập một lần và định tuyến nhật ký đến đúng điểm đến với đúng định dạng và lớp ngữ cảnh phù hợp. Ví dụ, một nguồn dữ liệu có thể được gắn thẻ tình báo mối đe dọa trước khi gửi đến cả SIEM để phân tích bảo mật và data lake để lưu trữ dài hạn.
Những cải tiến này giúp giảm tải cho SOC, nhưng việc duy trì các tích hợp và pipeline vẫn là một thách thức. Hơn nữa, chi phí lưu trữ và truy vấn khối lượng dữ liệu khổng lồ trên các nền tảng SIEM hoặc XDR dựa trên cloud vẫn là một bài toán ngân sách lớn.
Nhìn chung, SOC 2.0 đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong: làm giàu dữ liệu cảnh báo tự động, playbook khắc phục sự cố, nâng cấp khả năng phát hiện với SIEM/XDR hiện đại, cải thiện tích hợp dữ liệu
Tuy nhiên, những công việc nặng nhọc nhất – tư duy phản biện, ra quyết định có ngữ cảnh, và phân tích mối đe dọa chuyên sâu – vẫn còn mang tính thủ công và đòi hỏi nhiều nguồn lực.
Các đội SOC vẫn đang phải chạy đua để bắt kịp các mối đe dọa mới, tích hợp nguồn dữ liệu mới và duy trì các hệ thống tự động hóa phức tạp. SOC 2.0 tuy đã giúp giảm tải một phần công việc, nhưng vẫn chưa phải là điểm đến cuối cùng của quá trình tiến hóa trong vận hành an ninh mạng.
SOC thế hệ 3.0: Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo
SOC 3.0 đánh dấu bước nhảy vọt về hiệu suất vận hành và khả năng phát hiện mối đe dọa nhờ trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống lưu trữ dữ liệu phân tán (distributed data lakes).
AI hỗ trợ xử lý & khắc phục sự cố
Nhờ những đột phá trong AI, SOC giờ đây có thể tự động hóa phần lớn quy trình phân loại và điều tra. Các mô hình học máy (machine learning) — được huấn luyện trên tập dữ liệu khổng lồ gồm hành vi bình thường và độc hại — có thể tự động phân loại và ưu tiên cảnh báo với rất ít sự can thiệp từ con người. AI cũng được tích hợp tri thức bảo mật, giúp nâng cao năng lực của các nhà phân tích, hỗ trợ họ nghiên cứu và áp dụng nhanh chóng các thông tin mới vào thực tiễn.
Thay vì xây dựng các playbook cứng nhắc, AI có thể tạo ra các phương án phản ứng linh hoạt theo từng tình huống. Các nhà phân tích có thể xem xét, điều chỉnh và thực thi chỉ với một cú nhấp chuột. Khi SOC đã tin tưởng vào khả năng của AI, hệ thống có thể tự động triển khai biện pháp khắc phục, giúp giảm đáng kể thời gian phản ứng.
Điều này không loại bỏ hoàn toàn vai trò của con người. Mô hình “human-in-the-loop” vẫn được áp dụng, trong đó các nhà phân tích kiểm tra lập luận của AI và phê duyệt phương án xử lý. Tuy nhiên, khối lượng công việc thủ công, lặp đi lặp lại được giảm bớt đáng kể. Các nhà phân tích cấp thấp có thể tập trung vào xác thực và phê duyệt ở cấp độ cao hơn, trong khi AI đảm nhận những nhiệm vụ nặng nhọc.
Phát hiện & tương quan thông minh hơn
Tầng SIEM/XDR trong SOC 3.0 được AI và ML tự động hóa, thay vì phụ thuộc vào các chuyên gia bảo mật để tạo và duy trì quy tắc tương quan. Hệ thống liên tục học từ dữ liệu thực tế, điều chỉnh quy tắc để giảm cảnh báo dương tính giả và phát hiện các mô hình tấn công mới.
Luồng tình báo mối đe dọa, phân tích hành vi và bối cảnh từ toàn bộ môi trường được tích hợp gần như song song với thời gian thực. Điều này giúp SOC có thể thích ứng ngay lập tức với các mối đe dọa mới mà không cần cập nhật quy tắc thủ công.
Điều tra mối đe dọa hoàn toàn tự động
Một trong những thay đổi đột phá nhất của SOC 3.0 là khả năng điều tra tự động gần như tức thì, mà không cần viết kịch bản hay quy trình thủ công. Thay vì phải lập trình từng bước điều tra cho từng loại mối đe dọa, AI có thể tự động phân tích lượng lớn dữ liệu, truy vấn và hiển thị thông tin theo ngữ cảnh phù hợp.
AI có thể xử lý hàng ngàn sự kiện và nhật ký từ nhiều nguồn phân tán chỉ trong vài phút, thậm chí vài giây, sau đó cung cấp những thông tin quan trọng nhất cho nhà phân tích.
SOC 3.0 cũng tăng cường năng lực cho các nhà phân tích cấp thấp. Nhờ các công cụ AI-driven, ngay cả một nhà phân tích Level 1 hay Level 2 cũng có thể xử lý các sự cố mà trước đây cần đến chuyên gia cấp cao. Các vendor trong lĩnh vực này bao gồm các startup phát triển co-pilot AI và các nền tảng SOC tự động hóa giúp rút ngắn đáng kể thời gian điều tra và MTTR (Mean Time to Respond).
Hệ thống lưu trữ phân tán & tối ưu chi phí
SOC 3.0 không chỉ cần nhiều dữ liệu hơn mà còn tối ưu hóa cách lưu trữ và truy vấn dữ liệu. Các công cụ AI không cần một kho dữ liệu tập trung duy nhất. Thay vào đó, chúng có thể truy vấn dữ liệu ngay tại nơi nó được lưu trữ—cho dù đó là SIEM cũ, bộ nhớ miễn phí của nhà cung cấp dịch vụ bảo mật, hay một S3 bucket riêng của tổ chức. Cách tiếp cận này giúp tối ưu chi phí. Ví dụ, một số vendor EDR/XDR như CrowdStrike, SentinelOne cung cấp bộ nhớ miễn phí cho dữ liệu của chính họ, giúp tiết kiệm chi phí lưu trữ. Các nhật ký khác có thể được lưu trên các dịch vụ cloud rẻ hơn.
Thay vì đưa toàn bộ dữ liệu vào một kho lưu trữ tốn kém, SOC 3.0 cho phép “đưa truy vấn đến dữ liệu” (bring the query to the data). Điều này nghĩa là doanh nghiệp có thể lưu trữ lượng dữ liệu lớn trong S3 bucket giá rẻ, nhưng vẫn có thể truy vấn nhanh và làm giàu dữ liệu gần như thời gian thực.
Việc phân phối dữ liệu hợp lý giúp tuân thủ quy định về dữ liệu địa phương và cân bằng giữa hiệu suất và chi phí. Dữ liệu có thể được lưu trữ gần nguồn phát sinh hoặc tại các khu vực có chi phí vận hành thấp hơn.
SOC 3.0 không bị khóa vào mô hình lưu trữ của một nhà cung cấp duy nhất. Nếu doanh nghiệp không đủ ngân sách để lưu trữ hoặc phân tích mọi thứ trên một nền tảng SIEM đắt đỏ, họ vẫn có thể giữ dữ liệu trong môi trường riêng với chi phí thấp hơn, và truy vấn theo nhu cầu khi cần.
Giới thiệu dịch vụ SOC của VNCS Global
VNCS Global tự hào mang đến dịch vụ VNCS SOC – thế hệ trung tâm điều hành an ninh hiện đại, kết hợp công nghệ tiên tiến, quy trình chuẩn hóa và đội ngũ chuyên gia hàng đầu, nhằm tối ưu hiệu suất vận hành và bảo vệ toàn diện hệ thống thông tin cho doanh nghiệp.
SOC 3.0 của VNCS Global được xây dựng dựa trên ba trụ cột vững chắc:
- Công nghệ tiên tiến: Ứng dụng các giải pháp bảo mật hàng đầu thế giới đến từ Mỹ, Israel và nhiều quốc gia phát triển trong lĩnh vực an ninh mạng.
- Quy trình chuẩn hóa: Áp dụng quy trình vận hành bảo mật nghiêm ngặt theo chuẩn Nhật Bản, được tối ưu hóa phù hợp với tiêu chuẩn và quy định tại Việt Nam.
- Nhân sự chuyên nghiệp: Đội ngũ chuyên gia được đào tạo từ các môi trường quốc tế, sở hữu chứng chỉ uy tín như CEH, CISSP, CISM, đảm bảo khả năng xử lý và phản ứng nhanh chóng với mọi mối đe dọa.
Đặc biệt, VNCS SOC đã đạt chứng nhận CREST – tổ chức quốc tế uy tín đánh giá các đơn vị cung cấp dịch vụ an toàn thông tin theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt về năng lực kỹ thuật, quy trình vận hành và đạo đức nghề nghiệp. Đây là minh chứng cho chất lượng và độ tin cậy của dịch vụ SOC do VNCS Global cung cấp, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh việc tăng cường khả năng phát hiện và ứng phó sự cố, VNCS SOC còn mang lại lợi ích thiết thực về chi phí. Doanh nghiệp có thể tận dụng mô hình xử lý dữ liệu phân tán, chỉ truy vấn khi cần thiết, thay vì phải đầu tư vào hệ thống lưu trữ tập trung đắt đỏ.
>>> Có thể bạn quan tâm: Dịch vụ VNCS SOC đã hỗ trợ nhiều đơn vị phản ứng nhanh với tấn công mạng
Kết luận: SOC 3.0 – Cuộc cách mạng AI trong vận hành an ninh
Từ góc nhìn của CISO, SOC 3.0 không chỉ là một từ khóa xu hướng, mà là bước phát triển tất yếu trong an ninh mạng hiện đại. Hệ thống mới giúp xử lý cảnh báo nhanh hơn nhờ AI tự động phân loại, điều tra và đưa ra phương án xử lý. Đồng thời, khả năng phát hiện và điều tra cũng hiệu quả hơn khi AI học liên tục, thích ứng với các mối đe dọa mới.
Mặc dù AI không thể thay thế hoàn toàn con người, nhưng vai trò của AI trong SOC 3.0 là không thể thiếu. AI hỗ trợ tự động hóa các quy trình giám sát và phân tích, giúp đội ngũ bảo mật tập trung vào các nhiệm vụ chiến lược, nâng cao hiệu quả vận hành và tăng cường khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa ngày càng tinh vi.