Bảo vệ dữ liệu là ưu tiên hàng đầu của hầu hết tất cả các CIO hoặc CISO trong mọi ngành công nghiệp. Hiện nay, nhiều tổ chức đang rơi vào tâm điểm của các thách thức về an ninh mạng, thường do những sai sót và những rủi ro về bảo mật dữ liệu
Rủi ro 1: Không vượt qua việc tuân thủ
Đây là khi các tổ chức chỉ tập trung vào việc đáp ứng các tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu như GDPR hay SOX, mà không nâng cao khả năng bảo vệ dữ liệu trước các mối đe dọa mới. Việc tuân thủ không đồng nghĩa với việc bảo mật dữ liệu hoàn toàn, vì bảo mật dữ liệu hiệu quả đòi hỏi phải chủ động và tiên phong trong việc xác định cũng như giảm thiểu rủi ro, chứ không chỉ là kiểm tra các yêu cầu trong các cuộc kiểm toán an toàn thông tin.
Giải pháp: Nhận ra tuân thủ là điểm khởi đầu:
Các tổ chức phải vượt ra ngoài việc tuân thủ bằng cách áp dụng một cách tiếp cận chiến lược, chủ động để bảo vệ dữ liệu quan trọng. Chiến lược này nên bao gồm việc khám phá và phân loại dữ liệu nhạy cảm, sử dụng phân tích để đánh giá rủi ro, thực thi bảo vệ dữ liệu thông qua mã hóa và kiểm soát truy cập, giám sát hoạt động bất thường, ứng phó nhanh chóng với các mối đe dọa và hợp lý hoá báo cáo tuân thủ. Hiểu rõ hơn về các hậu quả nghiêm trọng của việc dữ liệu bị xâm phạm (như trách nhiệm pháp lý và các tổn thất tiềm ẩn) là thiết yếu trong việc xây dựng các biện pháp bảo mật dữ liệu mạnh mẽ.
Rủi ro 2: Không nhận ra sự cần thiết về bảo mật dữ liệu tập trung
Đây là khi các tổ chức sử dụng nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, nhưng không có một hệ thống tập trung để quản lý và bảo mật dữ liệu. Khi dữ liệu được lưu trữ trên nhiều nền tảng khác nhau, đặc biệt là trên đám mây, các tổ chức sẽ gặp khó khăn trong việc giám sát và kiểm soát dữ liệu quan trọng, tạo ra các lỗ hổng và điểm yếu trong các giao thức bảo mật.
Giải pháp: Biết dữ liệu quan trọng nằm ở đâu
Bảo mật dữ liệu hiệu quả liên quan đến việc biết dữ liệu quan trọng được lưu trữ và truy cập ở đâu và làm thế nào, đồng thời tích hợp kiến thức đó vào chương trình an ninh mạng toàn diện để đảm bảo sự giao tiếp linh hoạt giữa các công nghệ khác nhau.
Rủi ro 3: Trách nhiệm không rõ ràng về quyền sở hữu dữ liệu:
Đây là khi các tổ chức không xác định rõ ai là người chịu trách nhiệm về việc thu thập, lưu trữ, sử dụng cũng như xóa loại dữ liệu nào. Việc phân định rõ ràng quyền sở hữu và trách nhiệm về dữ liệu là rất quan trọng cho việc quản trị dữ liệu hiệu quả. Mỗi nhóm hoặc nhân viên phải hiểu vai trò của họ trong việc bảo vệ dữ liệu để tạo ra một văn hóa an toàn.
Giải pháp: Tuyển dụng một CDO hoặc DPO:
Tuyển dụng một Giám đốc Dữ liệu (CDO) hoặc Chuyên viên Bảo vệ Dữ liệu (DPO) là một bước khởi đầu tốt cho việc quản lý và bảo mật dữ liệu hiệu quả, đặc biệt là tuân thủ GDPR. Những vai trò này đòi hỏi kiến thức kỹ thuật, khả năng kinh doanh, kỹ năng đánh giá rủi ro và khả năng chỉ đạo các hoạt động bảo mật dữ liệu chiến lược. Họ cũng nên quản lý việc tuân thủ, giám sát hiệu quả trong quá trình thực hiện, đàm phán với các nhà cung cấp đám mây và kế hoạch ứng phó với việc xâm phạm dữ liệu. Vai trò của họ là chìa khóa trong việc thúc đẩy sự hợp tác toàn tổ chức về bảo mật dữ liệu.
Rủi ro 4: Không giải quyết các lỗ hổng đã biết:
Đây là khi các tổ chức không nhanh chóng vá các lỗ hổng bảo mật đã được công bố, cho phép các kẻ tấn công có thể tận dụng và khai thác. Mặc dù có sẵn các bản vá, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp trì hoãn việc triển khai vì nhiều lý do, khiến dữ liệu nhạy cảm bị đe dọa.
Giải pháp: Thực hiện một chương trình quản lý lỗ hổng
Một chương trình quản lý lỗ hổng toàn diện là rất quan trọng cho an ninh mạng. Nó bao gồm việc quét và đánh giá thường xuyên tất cả các tài sản dữ liệu (bao gồm cả dữ liệu trên đám mây). Việc ưu tiên khắc phục các lỗ hổng căn cứ vào khả năng bị khai thác cũng như ảnh hưởng đến kinh doanh là điều thiết yếu. Các biện pháp bảo vệ cũng nên bao gồm các kỹ thuật làm mờ dữ liệu như mã hóa và mã token, cũng như quản lý khóa mạnh mẽ.
Rủi ro 5: Giám sát hoạt động dữ liệu không đủ
Đây là khi các lãnh đạo không chú ý đến việc ai truy cập dữ liệu, làm gì với dữ liệu và khi nào. Điều này bao gồm việc đảm bảo mức truy cập phù hợp và đánh giá các rủi ro liên quan – đặc biệt là với những người dùng có đặc quyền cao, thường gây ra các mối đe dọa nội bộ nghiêm trọng.
Giải pháp: Xây dựng một chiến lược bảo mật và tuân thủ dữ liệu toàn diện
Bắt đầu một sáng kiến bảo mật dữ liệu đòi hỏi việc thống nhất các nỗ lực giám sát đối với các rủi ro, mục tiêu kinh doanh cụ thể, áp dụng một cách tiếp cận theo từng giai đoạn để thực hiện các phương pháp tốt nhất. Ưu tiên nên được dành cho việc giám sát các nguồn dữ liệu nhạy cảm nhất với các chính sách rõ ràng, đầu tư vào các giải pháp giám sát tự động với phân tích nâng cao để phát hiện rủi ro và hoạt động bất thường – đặc biệt là trong số những người dùng có
đặc quyền cao.